Tiêm phòng Vắc xin trước và trong khi mang thai
Đăng bởi
Tiêm chủng VIP
Những vắc xin phụ nữ cần tiêm trước mang thai:
Tiêm phòng trước mang thai là cách tốt nhất giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé trong thời gian thai kỳ. Theo đó, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm các vắc xin sau: quai bị, sởi, Rubella, viêm gan A, B, cúm, thủy đậu, viêm màng não, uốn ván,... để tránh rủi ro cho thai kỳ.
Tại sao cần tiêm vắc xin trước khi mang thai
Tiêm phòng vắc xin giúp phụ nữ không mắc bệnh nguy hiểm trong thai kỳ
Nếu mẹ mắc Sởi trong thời kỳ mang thai thì khả năng cao trẻ bị dị dạng, có thể sinh non, thai chết lưu, sảy thai. virus quai bị cũng gây viêm nhiễm buồng trứng, phá hủy tế bào trứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của chị em, cũng gây sinh non, thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh.
Còn khi mắc bệnh quai bị, virus có thể tác động xấu tới buồng trứng, khiến khả năng sinh sản của người phụ nữ bị ảnh hưởng. Nếu mắc bệnh quai bị trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi dễ có nguy cơ cao dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, thai lưu.
Rubella là căn bệnh nguy hiểm, khiến 90% trường hợp mẹ mang thai nhiễm trong 3 tháng đầu gây dị tật bào thai, sảy thai, có thể ảnh hưởng và để lại di chứng cho trẻ khi chào đời với các dị tật bộ phận não, tim, mắt, tai... Mắc bệnh Rubella khi mang thai, cần được thăm khám và tư vấn của BS vì khả năng chấm dứt thai kỳ rất cao.
Các bệnh lý khác đều ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, khỏe mạnh của trẻ.
Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần có kế hoạch mang thai và chủ động đi tiêm phòng để tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước khi tiêm phòng, chị em cần được xét nghiệm máu để đánh giá chính xác khả năng miễn dịch và lượng kháng thể với mỗi loại bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn đến bạn nên tiêm phòng vắc xin và thời gian tiêm phòng trước mang thai phù hợp.
Một số loại vắc xin cần được tiêm phòng trước mang thai ít nhất 1 tháng, trước 3 tháng và cũng có loại tiêm trong thời kỳ mang thai.
Thời điểm tiêm phòng hợp lý:
Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung HPV: Vắc xin cần được tiêm khi bạn dưới 26 tuổi và có chỉ định bác sĩ. Để đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần tiêm đủ 3 liều vắc xin, trong đó liều thứ 2 cách liều 1 từ 1-2 tháng, liều 3 sau liều 1 khoảng 6 tháng. Do đó, nếu chuẩn bị mang thai thì bạn cần chủ động tiêm vắc xin trước khi mang thai ít nhất 6 tháng.
Vắc xin ngừa sởi – quai bị - Rubella: Bạn có thể chủ động phòng ngừa 3 bệnh là sởi, quai bị, Rubella chỉ với 1 mũi vắc xin 3 trong 1 MMR vô cùng hiệu quả. vắc xin có thể được tiêm phòng từ khi bạn còn nhỏ hoặc từng bị bệnh hồi còn nhỏ và có khả năng miễn dịch. Tuy vậy, vẫn cần xét nghiệm lại để xác định có cần thiết phải tiêm không.
Vắc xin ngừa viêm màng não: Vắc xin nên tiêm nếu có chỉ định bác sĩ.
Vắc xin ngừa phế cầu khuẩn: Vắc xin nên tiêm nếu có chỉ định bác sĩ
Vắc xin ngừa uốn ván – bạch hầu – ho gà: Vắc xin lý tưởng khi tiêm từ khoảng tuần 27 đến tuần 36 của thai kỳ.
Vắc xin ngừa cúm: Vắc xin bất hoạt, đã khử hoạt tính của virus được tiêm vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Còn vắc xin ngừa cúm với virus còn sống, đã làm cho yếu đi thì cần tiêm trước thụ thai 1 tháng.
Vắc xin ngừa thủy đậu: Nếu bạn đã được tiêm phòng vắc xin thủy đậu từ khi còn nhỏ thì nên tiêm thêm mũi tăng cường, tiêm trước mang thai ít nhất 1 tháng.
Vắc xin ngừa viêm gan siêu vi A: Virus viêm gan A dù không gây viêm gan mạn tính nhưng giai đoạn cấp tính gây tử vong cao, gây nguy hiểm cho mẹ bầu nên cũng cần tiêm trước mang thai, theo chỉ định bác sĩ.
Vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B: Virus này có thể lây truyền qua máu và dịch cơ thể nên chị em có thể dễ dàng mắc bệnh mà không hay biết, không chỉ phụ nữ chuẩn bị mang thai mà người chồng cũng cần tiêm phòng, gồm 3 mũi trong vòng 4 tháng tiêm. Nếu không hoàn thành 3 mũi trước mang thai thì có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai.
Nếu không kịp tiêm phòng trước mang thai thì có tiêm phòng trong thời kỳ mang thai được không?
Hầu hết các vắc xin dạng virus còn sống, chỉ bị làm yếu đi thì bác sĩ đều khuyên nên tiêm trước khi mẹ mang thai ít nhất 1 tháng để tránh trường hợp xấu xảy ra là dù virus bị làm yếu đi vẫn gây bệnh cho mẹ. Bởi thế, những vắc xin được khuyến cáo nên tiêm trước khi mang thai không nên tiêm trong thời kỳ mang thai.
Đối với vắc xin ngừa uốn ván: Uốn ván có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh, do đó phụ nữ trong tuổi sinh sản cần được tiêm vắc xin ngừa uốn ván trước khi mang thai hoặc tuần thai 27 – 36.
Kết luận:
Việc đảm bảo tiêm phòng sởi, quai bị, Rubella trước khi mang thai là vô cùng quan trọng.
Một số vắc xin phòng ngừa bệnh quan trọng khác, nếu không kịp tiêm trước mang thai thì có thể chủ động tiêm trong thời kỳ mang thai các loại vắc xin bất hoạt như vắc xin cúm, viêm gan B...
Ngoài ra, vắc xin phòng uốn ván cho mẹ và trẻ sơ sinh nếu không tiêm có thể khiến trẻ tử vong với tỉ lệ 95% nhiễm bệnh. Do đó, bà mẹ mang thai lần đầu chưa được tiêm phòng vắc xin trong 5 năm gần nhất thì cần tiêm 2 mũi phòng bệnh, 1 mũi trong 3 tháng giữa thai kỳ, 1 mũi sau đó tối thiểu 1 tháng hoặc trước ngày sinh tối thiểu 1 tháng.