BÀ BẦU CẦN TIÊM PHÒNG MẤY MŨI VẮC XIN TRƯỚC KHI SINH?

BÀ BẦU CẦN TIÊM PHÒNG MẤY MŨI VẮC XIN TRƯỚC KHI SINH?
Đăng bởi Blue Sky

1. Tiêm phòng uốn ván khi mang thai
Trong thời gian mang thai, tất cả phụ nữ đều được khuyến cáo tiêm phòng vắc xin uốn ván theo quy định được ban hành bởi Bộ Y tế Việt Nam.

Uốn ván là bệnh gì?
Uốn ván (còn gọi là phong đòn gánh) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Bệnh gây tổn thương thần kinh, khiến các cơ bắp cũng bị cứng và tê liệt. Nếu không chữa trị kịp thời, các cơ hô hấp sẽ ngưng hoạt động, dẫn đến tử vong. 

Bệnh thường khởi phát sau các tổn thương, trung bình khoảng 7 ngày. Dấu hiệu nhận biết bệnh: co cứng cơ, đau cơ, xuất hiện chủ yếu ở cơ nhai, cơ gáy, cơ thân. 

Nguyên nhân gây bệnh uốn ván chủ yếu do bị trầy xước, vết rách da, vết chích da, vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn uốn ván. Loại vi khuẩn này có mặt ở khắp nơi và chủ yếu được tìm thấy trong đất, cát bụi, phân gia cầm, gia súc, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ lưỡng, sắt thép gỉ. 

Vì sao bà bầu cần tiêm phòng uốn ván?

Uốn ván là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Đặc biệt, uốn ván ở trẻ sơ sinh gây tử vong trên 95%. 

Một số người vì thiếu thông tin, chủ quan hoặc e ngại trước nhiều thông tin tiêu cực về vắc xin nên đã không tiêm chủng uốn ván trước và trong thời kỳ mang thai. Vì vậy cơ thể người mẹ hoàn toàn không có miễn dịch với bệnh uốn ván khiến khả năng mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh uốn ván bất cứ lúc nào, do không có miễn dịch ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Hơn nữa, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao hơn khi sinh nở tại các cơ sở y tế không đáp ứng điều kiện vô trùng. Đặc biệt, khi sinh tại nhà, dùng dụng cụ chưa được khử trùng nước sôi đúng cách để cắt rốn cho trẻ khiến nguy cơ trẻ sơ sinh bị uốn ván tăng cao.

Bà bầu cần tiêm phòng mấy mũi uốn ván?

Tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ cho cả mẹ và bé

Đối với phụ nữ mang thai lần đầu, trước đó chưa tiêm phòng uốn ván cần được tiêm phòng 2 mũi:

- Mũi 1 bắt đầu tiêm càng sớm càng tốt, thường bắt đầu từ tháng thứ 5 của thai kỳ. 

- Mũi thứ 2 được tiêm sau mũi đầu tiên 1 tháng và trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

Đối với phụ nữ mang thai sinh con thứ 2, chỉ cần tiêm 1 mũi nếu đã tiêm đủ 2 mũi khi có con lần 1.

2. Tiêm phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván (ADACEL)

Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis. Bệnh khá nguy hiểm, nếu diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong.

ADACEL (Pháp) là loại vắc xin có tác dụng tạo miễn dịch chủ động nhằm phòng bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván. Các nghiên cứu cho thấy, thai phụ tiêm vắc xin này có khả năng phòng bệnh cho bản thân và trẻ sơ sinh cao gấp 6,39 lần so với thai phụ không tiêm. 

Mẹ bầu cần tiêm 1 mũi duy nhất từ 28 – 36 tuần thai kỳ. 

3. Tiêm phòng cúm (bất hoạt) trong thai kỳ

Trong thời gian mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ thường suy giảm để thích ứng với thai nhi đang phát triển. Do đó, cơ thể thai phụ có nguy cơ cao bị vi khuẩn, virus tấn công. Một trong những bệnh lây truyền qua đường hô hấp dễ gặp nhất là cảm cúm. Đặc biệt với thai phụ 3 tháng đầu bị cúm rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi, gây ra dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Vì vậy tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể mẹ và con. Ngay khi trẻ chào đời, kháng thể chống cúm trong cơ thể người mẹ vẫn được truyền qua con và bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu.
Bà mẹ mang thai có tiêm vắc xin cúm sẽ truyền kháng thể này cho con qua nhau thai
Vắc xin cúm với 1 LIỀU duy nhất được điều chế từ virus bất hoạt nên an toàn cho phụ nữ mang thai. Nên tiêm càng sớm càng tốt, vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, tốt nhất là trước mùa cúm (thông thường từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau).

4. Một số lưu ý tiêm phòng trong thai kỳ
  • Một số vắc xin nên tránh dùng cho thai phụ: Viêm gan A, Sởi – Quai bị - Rubella (MMR), Thủy đậu (Varicella), Phế cầu (Pneumococcal), Bại liệt (OPV dạng uống). Các vắc xin này nên tiêm trước khi mang thai và tiêm ngay khi có kế hoạch mang thai.
  • Trong trường hợp mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng. Ngoài ra, trong quá trình mang thai muốn tiêm phòng cũng nên gặp bác sĩ để được xét nghiệm và tư vấn.
  • Không tiêm phòng khi người đang bị sốt hoặc mắc bệnh cúm, viêm gan, bệnh khớp...
  • Tại vị trí tiêm có thể bị buốt hoặc phồng sau tiêm, nhiều trường hợp sốt nhẹ sau khi về nhà. Đây là phản ứng bình thường khi vắc xin vào cơ thể không nên quá lo lắng. 

Bài viết liên quan